Trong bài viết này bạn sẽ biết cách:
+ Xử lý thuật toán tính thuế TNCN thông qua giải thuật phát biểu bằng miệng;
+ Áp dụng các hàm Excel cơ bản vào tính thuế TNCN cho người lao động;
1. Cơ sở để thiết lập công thức nhằm giải quyết bài toán tính thuế TNCN cho người lao động
+ Để thiết lập công thức tính thuế TNCN cho người lao động, chúng ta phải nắm vững kiến thức về thuế TNCN do pháp luật lao động, cũng như các quy định được ban hành theo các thông tư, nghị định, công văn của Bộ tài Chính, Chi tiết bạn vui lòng xem kỹ trong bài viết “Cơ sở để áp dụng hàm Excel tính thuế thu nhập cá nhân“.
+ Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải biết phân tích và thiết kế cho mình được bảng tính công tối ưu (xem trong bài viết “Các bước thiết kế một bảng chấm công chuyên nghiệp“), thiết kế được bảng tính lương chuyên nghiệp (Xem trong bài viết “Thiết kế bảng tính lương chuyên nghiệp dành cho dân kế toán và nhân sự“) và thiết kế được bảng tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động (Bạn xem chi tiết tại bài viết “Từng bước xây dựng bảng tính thuế thu nhập cá nhân tối ưu“).
+ Ngoài ra, Bạn còn cần phải nắm vững một số hàm Excel sẽ được áp dụng để thiết lập công thức tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động ứng với bài toán này, cụ thể trong bài toán này ta sẽ dùng hai hàm, hàm xử lý logic AND và hàm điều khiển rã nhánh IF để xử lý, đặc biệt bạn cần xem kỹ bài viết “Cách sử dụng hàm điều khiển rẽ nhánh IF nâng cao” vì ta sẽ áp dụng kiến thức trong bài đó để áp dụng xử lý cho bài toán ứng với bài viết này.
2. Bài toán
Để chỉ tập trung vào việc xây dựng công thức tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động thì giả định ta đã tính được giá trị cho cột Thu nhập tính thuế rồi (các bước trước để tính Thu nhập tính thuế ta tạm thời bỏ qua trong bài toán này để cho đơn giản), giờ ta chỉ thiết lập công thức tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu tính thuế lũy tiến từng phần
Biểu thuế lũy tiến từng phần
Lúc này, Bài toán của chúng ta sẽ được rút gọn lại như hình dưới:
Bảng tính thuế TNCN cho người lao động
Bài toán đặt ra là:
Hãy xây dựng công thức để tính thuế TNCN cho người lao động tương ứng ở bảng tính trên.
3. Phân tích bài toán
+ Theo như bài toán trên, Thu nhập tính thuế của mỗi lao động chúng ta đều biết rồi, Thuế suất thì được xác định theo biểu thuế lúy tiến từng phần ở trên.
+ Cũng theo biểu thuế lũy tiến từng phần trên, ta đã có công thức để tính số thuế mà người lao động phải nộp dựa trên Thu nhập tính thuế (TNTT).
=> Như vậy dữ liệu đã có đầy đủ, giờ ta chỉ việc áp hàm Excel vào xử lý là ổn.
=> Giờ ta sẽ tính thuế TNCN phải nộp cho Người lao động đầu tiên trong danh sách trên – Anh “Hoàng Trung Thật“, tức là ta sẽ tiến hành thiết lập công thức tính thuế TNCN cho người lao động này ứng với ô E5 trong danh sách trên.
4. Phân tích giải thuật bằng miệng
Áp dụng cách làm tương tự trong bài viết “Cách sử dụng hàm điều khiển rẽ nhánh IF nâng cao“, ta sẽ tiến hành xử lý từng bước như sau để qua đó xác định được sẽ dùng những Hàm Excel nào để tạo công thức để tính thuế TNCN cho người lao động, cụ thể thuật giải bằng miệng sẽ được thể hiện như sau:
Chú ý: Ở đây ta sẽ dùng công thức ứng với Cách 2 để tính số thuế phải nộp như theo hướng dẫn trong biểu thuế lũy tiến từng phần ở trên.
BẮT ĐẦU
Nếu Thu nhập tính thuế (TNTT) <= 5 triệu Thì trả về giá trị 5% TNTT
Ngược lại (tức loại bỏ trường hợp trên)
Nếu TNTT <= 10 triệu Thì trả về giá trị 10% TNTT – 0,25 triệu
Ngược lại (tức loại bỏ hai trường hợp trên)
Nếu TNTT <= 18 triệu Thì trả về giá trị 15% TNTT – 0,75 triệu
Ngược lại (Tức loại bỏ 3 trường hợp trên đi)
Nếu TNTT <= 32 triệu Thì trả về giá trị 20% TNTT – 1,65 triệu
Ngược lại (Tức loại bỏ 4 trường hợp trên đi)
Nếu TNTT <= 52 triệu Thì trả về giá trị 25% TNTT – 3,25 triệu
Ngược lại (Tức loại bỏ 5 trường hợp trên đi)
Nếu TNTT <= 80 triệu Thì trả về giá trị 30% TNTT – 5,85 triệu
Ngược lại (Tức là loại bỏ cả 6 trường hợp trên đi => Như vậy chỉ còn lại duy nhất trường hợp TNTT > 80 triệu)
Thì trả về giá trị 35% TNTT – 9,85 triệu
5. Áp dụng công thức Excel để tính thuế TNCN cho người lao động dựa trên giải thuật ở mục 4
Do chỉ có các từ Nếu Thì trong phép toán, nên ở đây chúng ta chỉ cần sử dụng hàm IF là có thể giải bài toán này được rồi, giờ ta sẽ tiến hành từng bước 1 theo như thuật giải ở trên cho ô E5:
= IF(D5 <= 5000000, 0.05 * D5, (1)
IF(D5 <= 10000000, 0.1 * D5 – 250000, (2)
IF(D5 <= 18000000, 0.15 * D5 – 750000, (3)
IF(D5 <= 32000000, 0.2 * D5 – 1650000, (4)
IF(D5 <= 52000000, 0.25 * D5 – 3250000, (5)
IF(D5 <= 80000000, 0.3 * D5 – 5850000, (6)
0.35 * D5 – 9850000)))))) (7)
=> Ghép các công thức từ (1) đến (7) ta sẽ được công thức tính thuế TNCN hoàn chỉnh cho Ô E5, cụ thể:
= IF(D5 <= 5000000, 0.05 * D5, IF(D5 <= 10000000, 0.1 * D5 – 250000, IF(D5 <= 18000000, 0.15 * D5 – 750000, IF(D5 <= 32000000, 0.2 * D5 – 1650000, IF(D5 <= 52000000, 0.25 * D5 – 3250000, IF(D5 <= 80000000, 0.3 * D5 – 5850000, 0.35 * D5 – 9850000))))))
Các ô tiếp theo cũng được tính toán tương tự như vậy!
BÀI TẬP THỰC HÀNH
1. Hãy thiết kế bảng tính thuế thu nhập cá nhân ở trên, sau đó tiến hành lắp công thức vào để tính thuế TNCN cho từng nhân sự như trong bảng đó theo cách 2 vừa phân tích ở trên, sau đó áp dụng theo cách 1 như hướng dẫn trong biểu tính thuế lũy tiến từng phần ở trên.
2. Thiết kế bảng chấm công, bảng tính lương, bảng tính thu nhập cá nhân theo như các bài viết được đưa ra ở phần 1 của bài viết này, sau đó tính toán thuế TNCN cho từng người lao động trong bảng biểu đó.
@Ps1: Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, Bạn vui lòng để lại câu hỏi trong phần lời bình bên dưới để được giải đáp.
@Ps2: Hãy theo dõi Bài viết “Excel dành cho chuyên viên tiền lương C&B” để tiếp cận thêm những thông tin bổ ích vè Excel được áp dụng trong lĩnh vực tiền lương, đặc biệt nếu bạn muốn trở thành một chuyên viên về C&B – Một vị trí quan trọng trong tổ chức.
Hãy tham gia ngay group facebook “Excel dành cho người đi làm” để trao đổi chuyên môn và mở rộng kết nối!
Xem thông tin về tác giả bằng cách kích vào dòng chữ đậm sau: Hoàng Quốc Uy - Chuyên gia về Excel
Họ và tên của bạn*
E-mail*
Website
× = 18
Nội dung lời bình:*